Ý nghĩa phong cách kiến trúc trong các công trình tại Samten Hills Dalat
Khu tham quan du lịch văn hóa tâm linh Samten Hills Dalat gây ấn tượng với du khách bởi quần thể các công trình kiến trúc được lấy cảm hứng từ văn hóa Phật giáo Kim Cương Thừa và vùng đất linh thiêng xung quanh dãy Hy Mã Lạp Sơn (Himalayas).
Samten Hills Dalat không chỉ là một khu tham quan du lịch đơn thuần, mà nơi đây còn mang trong mình nhiều ý nghĩa đặc biệt. Trái tim của Samten Hills Dalat là Không gian văn hóa tâm linh Phật giáo Kim Cương Thừa. Đây là di sản cuối cùng trên thế giới của Đại lão Hoà thượng Drubwang Sonam Jorfel Rinpoche – bậc hành giả và học giả đáng kinh đến từ Ladakh (Ấn Độ). Với lòng từ bi lớn lao, Đại lão Hòa Thượng đã dẫn dắt kiến tạo nên Không gian văn hoá tâm linh Phật giáo Kim Cương Thừa tại Samten Hills Dalat với hạnh nguyện gây dựng nên một Miền Trở Về thuần tịnh và yên bình, giúp mang lại hạnh phúc cho con người, lấp đầy thế giới bằng ánh sáng của hòa bình và hạnh phúc.
Không gian văn hoá tâm linh Phật giáo Kim Cương Thừa đã được Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam trao tặng chứng nhận với những nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo Kim Cương Thừa tại Việt Nam.
Khám phá ngay về phong cách kiến trúc và ý nghĩa trong từng công trình tại Không gian văn hóa tâm linh Phật giáo Kim Cương Thừa trong bài viết dưới đây nhé.
1. Đại bảo tháp Kinh luân Drigung Kagyu Rinchen Khorchen Khorwe Go Gek
Samten Hills Dalat vô cùng tự hào khi kiến tạo nên Đại bảo tháp Kinh luân Drigung Kagyu Rinchen Khorchen Khorwe Go Gek, đã được tổ chức Guiness World Records xác nhận kỷ lục là Đại Bảo Tháp Kinh Luân lớn nhất thế giới.
Trong Phật giáo Kim Cương Thừa, Đại bảo tháp Kinh luân có ý nghĩa là bánh xe cầu nguyện mang tới nguồn năng lượng an lành cho chúng sinh. Đồng thời, đây là một phương tiện thiện xảo giúp chúng sinh thoát khỏi những khổ đau luân hồi, kết nối vào bên trong tìm về những điều chân thành, trái tim biết yêu thương cuộc sống nếu họ nhất tâm thực hành cầu nguyện đúng đắn.
Cấu trúc của Đại bảo tháp Kinh luân Drigung Kagyu Rinchen Khorchen Khorwe Go Gek gồm 3 phần chính: Đế, thân và đỉnh tháp.
1.1 Đế tháp
Đế của đại bảo tháp là hình tượng của một đài sen lớn được trang trí bởi hình ảnh 12 con giáp tượng trưng cho vòng tuần hoàn trời đất xoay chuyển liên tục và các vị Dakini (còn gọi là các vị không hành nữ).
Những hình tượng trên trên đế tháp được khắc họa tinh xảo đến từng chi tiết nhỏ nhất như vì vậy gợi nên cảm giác đặc biệt linh thiêng và vô cùng sinh động trong từng vòng xoay kinh luân.
1.2 Thân tháp
Khi nhìn vào thân tháp, du khách sẽ thấy vô vàn câu thần chú Om Mani PadMe Hum bằng tiếng Phạn cổ (Sanskrit) và tiếng Tây Tạng được đắp nổi. Bên trong tháp là vô vàn những tờ giấy lụa và các phẩm vật cát tường in câu thần chú Om Mani PadMe Hum. Mỗi khi Đại bảo tháp Kinh luân xoay chuyển, những câu chú sẽ tạo nên một nguồn năng lượng cát tường và lan tỏa tới vạn vật, chúng sinh trong nhân gian.
Khi đặt chân tới Không gian văn hóa tâm linh Phật giáo Kim Cương Thừa tại Samten Hills Dalat, du khách hãy một lần đặt tay lên Đại bảo tháp Kinh luân, nhất tâm xoay chuyển bánh xe cầu nguyện để cảm thấy tâm hồn thuần khiết và tràn đầy yêu thương bản thân, gia đình và cuộc sống.
1.3 Đỉnh tháp
Lọng báu lớn
Khi nhìn lên phần đỉnh của Đại bảo tháp Kinh luân Drigung Kagyu Rinchen Khorchen Khorwe Go Gek, du khách sẽ thấy một lọng báu lớn với 8 đầu rồng tỏa ra khắp bốn phương tứ hướng. Lọng báu mang ý nghĩa bảo vệ che chở cho mọi chúng sinh thoát khỏi khỏi những khổ đau và phiền não của cuộc sống trần gian, khơi dậy tâm thiện và lòng từ bi.
Bảo tháp Kadam (Kadam Stupa)
Bảo tháp Kadam nằm ở trên đỉnh của Đại bảo tháp kinh luân có thiết kế đáy hình chuông tròn, phần thân có 13 tầng và được đặt trên một đài sen đôi. Bảo tháp Kadam mang ý nghĩa biểu trưng cho tâm giác ngộ của chư Phật, chư Đạo sư.
2. Nhà trưng bày Drigung Kagyu Samten Ling
Điểm thú vị của công trình Nhà trưng bày Drigung Kagyu Samten Ling là toàn bộ khuôn viên được lấy cảm hứng từ vòng tròn mandala – Một biểu tượng đặc trưng trong văn hóa Phật giáo Kim Cương Thừa. Phần mái được thiết kế đối xứng qua trục tâm của Nhà trưng bày.
Nhà trưng bày Drigung Kagyu Samten Ling được trang trí bởi nhiều những bức họa về thập phương chư Phật, Bồ Tát, Thánh Tăng, họa tiết hoa tuyết liên và kim ngân – biểu tượng cho ý chí kiên định của các bậc hành giả trong Phật giáo Mật tông.
Với mong muốn bảo tồn và phát huy các giá trị Phật giáo Kim Cương Thừa tại Việt Nam, tất cả các bức họa đều được thực hiện hoàn toàn thủ công bởi các họa sư đến từ Ấn Độ, Nepal.
TS Trần Hậu Yên Thế, Đại học Quốc gia, khi tới tham quan Nhà trưng bày Drigung Kagyu Samten Ling đã chia sẻ như sau: “Dễ dàng nhận thấy trong các nét vẽ của các họa sư từ Himalaya không chỉ có kỹ thuật truyền thừa, mà còn mang theo cả lòng thành kính với Phật pháp từ trong tâm khảm. Không thể vẽ được như vậy chỉ thuần túy bằng kỹ thuật”.
3. Hệ thống tượng Phật tại Samten Hills Dalat
3.1 Tôn tượng Đức Phật Di Lặc
Tượng Đức Phật Di Lặc tại Samten Hills Dalat được làm bằng đồng tinh khiết có kích thước cao 10.5m. Tôn tượng được kiến tạo theo chuẩn mực trong truyền thống Phật giáo Kim Cương Thừa.
Ý nghĩa của tượng Đức Phật Di Lặc là sự sẵn sàng thức tỉnh để giáo hóa chúng sinh bước ra khỏi những tâm tư phiền não, tìm thấy những điều tích cực trong tâm thức và cuộc sống.
3.2 Tôn tượng Đức Phật Trường Thọ
Tượng Đức Phật Vô Lượng Thọ được làm bằng đồng có chiều cao là 10.5m. Đức Phật Vô Lượng Thọ là biểu trưng cho cuộc sống khỏe mạnh, trường thọ và hạnh phúc. Vì vậy khi tới Không gian Văn hóa Tâm linh Phật giáo Kim Cương Thừa Drigung Kagyu Samten Ling, du khách hãy thành tâm cầu nguyện để cảm nhận năng lượng tích cực từ Ngài.
4. Các công trình khác
4.1 Cột biểu tượng Himalaya
Khi bước vào Không gian văn hóa tâm linh Phật giáo Kim Cương Thừa Drigung Kagyu Samten Ling Vietnam, du khách sẽ bắt gặp hàng cột gồm 9 chiếc cột được trang trí với nhiều họa tiết và màu sắc đặt cạnh nhau. Điều đặc biệt đó là các chi tiết trang trí trên cột đều được thực hiện thủ công bằng đôi tay tài hoa của các nghệ nhân đến từ quê hương của Đức Phật.
Dãy cột là biểu tượng cho những ngọn núi ở Himalaya – Nóc nhà của thế giới, vùng đất lành hội tụ linh khí của đất trời, là khởi nguồn của những con sông đầu nguồn của thế giới nuôi dưỡng hàng tỷ người ở châu Á.
Hàng cột tựa như một tín hiệu nhắn gửi du khách rằng họ đang bước vào một không gian thuần tịnh của Miền Trở Về với bản tâm vốn thuần khiết để cảm thấy lòng nhẹ nhàng và bình an.
Điểm đặc biệt ở hệ thống cột biểu tượng Himalaya trong Samten Hills Dalat đó là 4 cặp cột có cùng chiều cao và sắp xếp đối xứng qua trục là một cột thấp nhất hoặc cao nhất. Thiết kế này được lấy cảm hứng từ những chi tiết trang trí trên các pháp khí được sử dụng bởi các bậc Kim Cương Thượng Sư và gợi nhớ về vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng trùng điệp ở khu vực dãy Hy Mã Lạp Sơn.
4.2. Cổng vào Drigung Kagyu Samten Ling
Ngay từ cổng vào Không gian văn hóa tâm linh Phật giáo Kim Cương Thừa Drigung Kagyu Samten Ling Vietnam, du khách đã được chiêm bái một công trình mang đúng bản sắc của Phật Giáo Kim Cương Thừa thể hiện ở phần mái có một bánh xe tôn giáo ở giữa hai con nai. Đây là một biểu tượng nổi tiếng trong Phật giáo tượng trưng cho con người học Phật.
Cổng vào Drigung Kagyu Samten Ling là nơi chuyển giao giữa động và tĩnh, nơi du khách tạm gác lại những cảm giác lo toan cuộc sống ở bên ngoài cổng và bước tới không gian thuần tịnh, nơi trụ xứ của thập phương chư Phật, chư Bồ tát, chư Đại thánh tăng trong Miền Trở Về.
Hãy tới Samten Hills Dalat để chiêm bái những công trình tâm linh vĩ đại mang vẻ đẹp đặc trưng của văn hóa Phật giáo Kim Cương Thừa, hòa mình với thiên nhiên hùng vĩ trên những ngọn đồi đẹp nhất Đơn Dương để tìm thấy bình an bên trong và tâm hồn thuần khiết không còn ưu tư nhé!