Hành thiền Kora – Giác ngộ tinh thần, tỉnh thức trong từng bước chân
Hành thiền Kora là hình thức tu tập có nguồn gốc từ Tây Tạng, giúp con người rèn luyện thân – tâm – trí. Sức mạnh tâm linh từ việc hành thiền sẽ đưa bạn về miền giác ngộ và tìm kiếm được sự bình yên trong tâm hồn.
1. Ý nghĩa của hành thiền Kora trong truyền thống Phật giáo Kim Cương Thừa
Từ “Kora” trong tiếng Tây Tạng là “Skor ra”, có nghĩa là “đi vòng quanh” hoặc “cuộc cách mạng”. Theo truyền thống của Phật giáo Tây Tạng, kora là loại hình hành hương bằng cách đi bộ xung quanh một địa điểm (thánh địa, đền thờ,…) theo chiều kim đồng hồ nhiều lần. Người đi hành thiền đồng thời sẽ niệm các câu thần chú.
Theo Phật giáo Kim Cương Thừa, việc lựa chọn địa điểm để hành thiền Kora sẽ ảnh hưởng đến công đức tích lũy. Trong đó, đền Jokhang ở Lhasa là địa điểm chứa đựng sức mạnh tâm linh mạnh mẽ, mang đến nhiều may mắn và phước lành cho người đi hành thiền gần nơi này.
Hành thiền Kora là phương pháp giúp con người xoa dịu tâm trí, cơ thể và tinh thần cùng một lúc. Ngoài ra, việc đi hành thiền được xem là phương pháp để tích lũy công đức, giác ngộ về tâm linh và tìm được sự an yên sâu thẳm từ bên trong tâm hồn.
Để hiểu hơn về tác dụng này, bạn có thể theo dõi cuộc đối thoại giữa Dromtönpa và vị tôn quý Lama Atisha dưới đây:
Dromtönpa: “Tại sao không thực hành đức tính ngồi? Tại sao thực hành phổ biến này là đi xung quanh?”
Lama Atisha: “Khi tôi đi vòng quanh, tôi tích lũy cả ba hành động đức hạnh của thân, khẩu và ý. Khi tôi ngồi chỉ có một. Về mặt công đức, không có thực hành nào lớn hơn việc đi kora!”
Khi đi vòng quanh theo chiều kim đồng hồ, con người đang đi theo đam mê tìm kiếm trí tuệ và lòng từ bi, từ đó thanh lọc được nghiệp của họ. Bài tập từ việc hành thiền và việc niệm các câu thần chú giúp người hành thiền Kora rèn luyện được ba lĩnh vực hành động của con người (thân – khẩu – ý). Việc rèn luyện và tích lũy công đức này chính là cách để gieo trồng hạt giống của sự giác ngộ.
Một trong những hành động quan trọng để đạt được sự giải thoát và giác ngộ khi hành thiền chính là đọc kinh Kora. Kinh Kora đã tồn tại trước khi Phật giáo được truyền bá đến Tây Tạng và vẫn được gìn giữ, tiếp nối tới hôm nay. Người Tây Tạng quan niệm rằng khi đọc kinh càng sùng đạo thì họ sẽ càng gặp được nhiều phước lành.
2. Các hình thức thực hành đi kora
Các địa điểm tự nhiên
Người đi hành thiền Kora thường chọn các địa điểm thoáng mát, rộng rãi như hồ nước, tảng đá, hang động và bầu trời như hồ Namtso, núi Kailash,…
Nơi tu hành của các thánh nhân
Được hành thiền ở nơi tu hành của các bậc thành nhân hoặc các vị Lạt ma cư trú giúp người đi được tiếp nhận nguồn năng lượng tâm linh mạnh mẽ.
Như vậy, địa điểm để hành thiền Kora không giới hạn. Phật tử có thể lựa chọn nơi thực hành đi Kora ở bất cứ đâu miễn trong mỗi bước chân của họ đều có sự tập trung, tĩnh tâm. Khi đi hành thiền, hãy mang theo trong mình mong muốn được tìm kiếm trí tuệ, sự từ bi và giác ngộ.
Các địa điểm nhân tạo
Bên cạnh các địa điểm tự nhiên, người Tây Tạng còn đi hành thiền ở các địa điểm con người xây dựng nên như cung điện, đền thờ, tu viện hoặc thậm chí toàn bộ thành phố hoặc thị trấn.
3. Hướng dẫn thực hành Kora tại Samten Hills Dalat
Cách hành thiền đúng đó là đi từ trái sang phải theo chiều kim đồng hồ. Theo quan niệm của người xưa, đi thuận với chiều sinh học của cơ thể chính là thuận theo tự nhiên. Khi đó, nguồn năng lượng tích cực sẽ được sản sinh, tiêu trừ bệnh tật, gia tăng phúc đức. Khi đi, hãy dành sự tập trung và chánh niệm trên từng bước chân, vừa đi vừa niệm chú, đọc kinh và cầu nguyện tới những điều thiện lành.
Khi tới Samten Hills Dalat, bạn hãy thực hành chánh niệm bằng cách hành thiền kora xung quanh những công trình tâm linh linh thiêng để tìm thấy bình yên trong từng hơi thở.
Nhà trưng bày Drigung Kagyu Samten Ling
Điểm thú vị trong thiết kế của nhà trưng bày Drigung Kagyu Samten Ling đó là một con đường vòng tròn xung quanh. Nhìn từ trên xuống, đây là một mandala linh thiêng trong văn hóa Phật giáo Kim Cương Thừa. Đi kora xung quanh nhà trưng bày tựa như dạo quanh một vũ trụ thu nhỏ ngay tại trái tim của Samten Hills Dalat.
Tôn tượng Đức Phật Di Lặc
Đức Phật Di Lặc theo tiếng Phạn là Maitreya (có nghĩa là tình yêu thương, sự thân thiện). Tượng Phật Di Lặc đặt tại Không gian Văn hóa Tâm linh Phật giáo Kim Cương Thừa Drigung Kagyu Samten Ling là biểu tượng cho sự tỉnh thức, sẵn sàng nhập thế để giáo hóa chúng sinh. Khi hành thiền Kora quanh tượng, bạn đang thể hiện sự tôn kính dành cho Đức Phật Vị Lai.
Tôn tượng Đức Phật Trường Thọ
Đức Phật Vô Lượng Thọ là Báo thân (Sambohgakava) của Đức Phật A Di Đà, tượng trưng cho sức khỏe và sự trường thọ. Khi hành thiền Kora quanh Đức Phật Trường Thọ, hãy cầu nguyện sự khỏe mạnh, trường thọ và những năng lượng tích cực cho sức khỏe.
Từng bước chân nhỏ trong niệm có sức mạnh chuyển hóa nội tâm bên trong, đưa mỗi người trở về với hiện tại, tìm thấy an yên trong cuộc sống. Hãy tới Samten Hills Dalat để thực hành kora ngay trong không gian linh thiêng của Phật giáo Kim Cương Thừa.